Hà Nam là vùng chiêm trũng cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với khí hậu dễ chịu, thiên nhiên ưu ái. Hà Nam không chỉ nổi tiếng với nền văn hiến lâu đời, khung cảnh hữu tình, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nguyên sơ mà còn nổi tiếng bởi nhiều lễ hội truyền thống đậm bản sắc dân tộc. Khi các địa điểm du lịch, dã ngoại cuối tuần gần Hà Nội như Mai Châu, Tam Đảo, Ba Vì… đang dần trở nên quen thuộc thì du lịch Hà Nam chính là một lựa chọn mới mẻ hấp dẫn rất đáng để bạn lưu tâm. Không những thu hút du khách bởi nhiều địa danh đẹp mà đây còn là một địa điểm du lịch tâm linh hà nam đầy hứa hẹn. Hãy cùng rongbatravel khám phá những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của mảnh đất Hà Nam.
Top những địa điểm du lịch tâm linh hà nam nổi tiếng
Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc nằm trong khu du lịch Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, Kim Bảng , Hà Nam. Với diện tích hơn 5.000 ha, chùa Tam Chúc khi hoàn thành sẽ thay thế chùa Bái Đính với danh hiệu ngôi chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam.
Vị trí chùa Tam Chúc khá đặc biệt: phía sau tựa núi Thất Tinh, phía trước hướng ra hồ Lục Nhạc trông ra 6 hòn đảo trong hồ.
Hiện nay, công trình chùa Tam Chúc đã hoàn thành được một phần, bao gồm các hạng mục:
- Chùa Ngọc (Đàn Tế Trơi) tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh, đây là chùa trung tâm trong hệ thống chùa Tam Chúc. Trong chùa hiện đang đặt 3 bức tượng Phật làm bằng đá Granit nhập khẩu từ Ấn Độ cùng pho tượng Phật làm bằng ngọc vô cùng quý hiếm. Để lên tới chùa Ngọc, du khách cần vượt qua 200 bậc thang.
- Điện thờ Pháp chủ Thích Ca Mâu Ni: tượng Phật nặng 200 tấn – đây là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á.
- Điện Tam Bảo: Điện Tam Bảo có diện tích rất lớn lên đến 5100 m2 và có thể chứa được cùng một lúc khoảng 5000 người. Bên trong điện có 3 bức tượng Phật được làm bằng đồng. Mỗi bức có trọng lượng lên đến 80 tấn. Phía sau mỗi bức tượng Phật là một cánh sen dát vàng.
- Vườn Kinh: có 99 cây cột được dựng tại vườn Kinh, mỗi cây cột đều được khắc bài Kinh để du khách vừa ngắm nhìn vừa cầu nguyện.
- Đình Tam Chúc: nằm biệt lập như hòn đảo nổi giữa vùng đầm nước mênh mông, đình thờ hoàng hậu Dương Thị Nguyệt, đền có từ thời nhà Đinh.
Chùa Tam Chúc đang trong quá trình xây dựng, du khách khi đến chùa thì nên chuẩn bị khẩu trang, mũ…
Chùa Bà Đanh – Núi Ngọc
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng từng nghe tới câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”. Tưởng chừng như câu nói chỉ như mượn lời mà hóa ra, tại tỉnh Hà Nam lại có một ngôi chùa mang tên Bà Đanh thật.
Chùa Bà Đanh tọa lạc tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng,tỉnh Hà Nam. Chùa nằm ngay bên dòng sông Đáy hiền hòa uốn lượn. Chùa Bà Đanh sở dĩ được ví với “đệ nhất vắng khách” vì trước kia, chùa tọa lạc cách xa khu dân cư, 3 mặt là sông, 1 phía là rừng rậm, muốn vào chùa thì có cách đi đò qua sông Đáy nên có khá ít du khách đến hành hương.
Chùa Bà Đanh thờ ai? Chùa Bà Đanh có hệ thống điện thờ khá đa dạng là Phật, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân, Tử Phủ cùng với tín ngưỡng người địa phương – Tứ Pháp. Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, tùy theo thời tiết, mùa vụ mà chọn ngày tổ chức lễ hội trong năm. Chùa Bà Đanh là một trong số ít những ngôi chùa tại miền Bắc còn giữ gìn được nguyên vẹn vẻ đẹp cổ kính cho tới ngày nay.
Cách chùa Bà Đanh khoảng 100m là Núi Ngọc, đây là núi đá vôi độc lập kéo dài từ Tây Bắc. Do được người dân tại đây luôn giữ gìn, núi Ngọc vẫn bảo tồn được nét hoang sơ với nhưng cánh rừng cổ thụ. Đi chùa Bà Đanh – ngắm cảnh núi Ngọc nơi non xanh nước biếc hữu tình sẽ giúp du khách có được ngày cuối tuần thư giãn.
Địa Tạng Phi Lai Tự (chùa Đùng)
Địa Tạng Phi Lai Tự nằm tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Cách Hà Nội 70km. Chùa Đùng hay được biết với tên chính là Địa Tạng Phi Lai Tự. Theo câu chuyện được lưu truyền đến ngày nay, khi vua Tự Đức về đầy cầu con, xuống chân núi, vua nói: Phi Lai, được hiểu là có thể quay trở lại hoặc không. Từ đó, nơi đây được đặt tên Địa Tạng Phi Lai Tự mang ý nghĩa Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ quay trở lại. Mà nơi Ngài không về thì nơi ấy thành Phật.
Khác với nhiều ngôi chùa ở miền Bắc. Chùa Địa Tạng Phi Lai tọa lạc giữa rừng thông xanh ngút mắt, phía trước trông ra cánh đồng lúa trải dài, với địa thế trên chùa Đùng mang nét đẹp thanh tao, thoát tục lạ thường.
Hệ thống chùa Địa Tạng Phi Lai bao gồm Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh hiền; nhà ở, giảng đường, nhà khách, nơi ở của phật tử. Du khách thường rất thích về nơi đây chụp ảnh, vãn cảnh, nhất là tại sân chùa dải sỏi trắng, khu trà thất cùng những hiện vật mang nét kiến trúc Chăm pa từ những ngày đầu xây dựng chùa.
Đền Lảnh Giang
Địa chỉ: Thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Đền Lảnh Giang thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn có diện tích khoảng 3000m2, với không gian tươi xanh như đầm sen, vườn nhãn và bến nước. Đền có cửa hướng ra sông Hồng rộng mênh mông và thoáng mát. Không chỉ ấn tượng với kiến trúc hoành tráng, ngôi đền ở Hà Nam này còn là nơi lưu giữ những đồ thờ có giá trị như sập thờ và nhiều hoành phi câu đối, khám long đình, kiệu bát cống long đình, khám đặt tượng 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, nhang án…
Đền Lảnh Giang còn là nơi từng diễn ra phong trào cách mạng tại Mộc Nam. Vào tháng 7/1945 nhân dân ở xã Mộc Nam tập trung tại sân đền để nghe cán bộ tuyên truyền về cuộc khởi nghĩa. Vào năm 1940 đền Lảnh Giang còn là căn cứ hoạt động của cán bộ và đảng viên trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đèn Trúc – Ngũ Động Thi Sơn: địa điểm du lịch tâm linh hà nam
Địa chỉ: Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.
Đền Trúc nằm trong rừng trúc cổ từ thời Nhà Lý và được xây dựng trong khoảng năm 1069 khi Lý Thường Kiệt chinh phạt Chiêm Thành đại thắng trở về. Đền Trúc nằm bên bờ Sông Đáy chảy hiền hòa bao quanh Núi Cấm. Nhìn từ cổng vào khá là đơn sơ, nhưng khi bước chân trên con đường thẳng tắp dưới hàng trúc xanh mướt. Bạn sẽ cảm thấy nó thân thương, hiền hòa như tiên cảnh. Bạn sẽ đi vào cửa ngách của đền tuy nhiên hãy chú ý đi ra mặt Sông Đáy cửa chính mới là ở đó. Chính giữa là mặt trời, 2 con vơi đang vươn mình ở hai bên. Vào đền có cửa tả và cửa hữu đều nhìn ra sông, mặt trong là bạch mã và xích mã oai phong. Giữa sân là hai cây sanh cổ thụ che bóng mát. Sân Đền được lát bằng gạch bát đỏ. Mới bước vào sân đã nghe thấy tiếng gọi trầm ấm của Cụ Từ. Toàn cảnh Đền Trúc trầm mặc rêu phong dưới bóng cây. Chính gian thờ Lý Thường Kiệt, phía hậu cung thờ Mẫu hậu và Công chúa. Phía sau điện thời là đôi Cụ Rồng chầu ở giữa có bể nước bằng đá nguyên khối đã gần 1000 năm tuổi. Đền Trúc rất linh thiêng chính vì vậy các bạn tới tham quan và du lịch tâm linh hà nam nên thành tâm và chắc chắn sẽ được linh ứng.
Ngũ động Thi Sơn gồm có 5 động thông với nhau. Với kiến tạo địa chất của núi đá vôi hàng triệu năm tạo nên những hình thù tượng hình rất đặc sắc. Ở Động thứ nhất là ban thờ, hai bên có kỳ lân và đại bàng đang chầu. Qua một cánh cửa sắt con đường dẫn sang động thứ 2, 3 nhỏ hơn và cũng hơi khó đi. Động thứ 4 là nơi rộng nhất, ở đây có thể chứa được hàng nghìn người. Ở điểm cao nhất là ban thờ Phật Di Đà huyền bí. Với góc nhìn và trí tưởng tượng ta sẽ thấy vô số kiệt tác của tự nhiên như: hình bầu sữa mẹ, nồi cơm mở vung, hình con voi, con rùa… Màu sắc, độ xốp, da nhũ… cũng khác nhau. Có nhũ ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh đuốc rọi vào bỗng rực lên như châu ngọc. Có nhũ mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ, mà thật đặc biệt, khi đánh lên, âm vang như thật. Thời Kháng chiến chống Pháp, Ngũ Động Sơn được dùng làm nơi để bộ đội đóng quân và cất giữ vũ khí, quân dụng.
Đình đá Tiên Phong – một địa điểm du lịch tâm linh hà nam đáng chú ý
Đình đá Tiên Phong thờ Nguyệt Nga công chúa – nữ tướng của Hai Bà Trưng, đây là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ nguyên vẹn được cho đến ngày nay. Khách du lịch đến tham quan đình sẽ được chiêm ngưỡng những mảng chạm khắc nghệ thuật hết sức công phu, tạo cho đình một vẻ mềm mại, sống động, hấp dẫn. Đình thờ Nguyệt Nga công chúa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Nga, quê ở làng An Mông (còn có tên là làng Mống)
Năm 40, bà cùng vài nghìn nghĩa quân tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ của quan lại nhà Hán. Sau khi giành được chính quyền, Hai Bà Trưng phong cho bà là Nguyệt Nga công chúa, cử làm quan tại phủ Lý Nhân.
Đình đá Tiên Phong là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ được đến ngày nay. Đình phải sử dụng hàng trăm khối đá vừa to, vừa dày mới có thể tạo thành năm hàng cột, 6 vì và nhiều xà ngang, xà dọc, chân tảng, mê cốn. Câu đối trang trí ở riềm hai bên, tại phần trên đầu hoặc dưới chân đều chạm những họa tiết hoa cách điệu, như cảnh sen quy, hoa chanh chữ thọ, phượng múa long mã hoặc những cành đào, chùm lựu rất sinh động.
Mỗi câu đối còn chạm nổi hình con dơi, dang rộng đôi cánh như cắn lấy vế câu đối có nội dung rất đẹp, cầu phúc cho quê hương. Bốn đại trụ ở hai vì chính giữa được chạm nổi hình rồng cuốn thủy, với những khúc uốn lượn mềm mại, những lườn cây theo nhiều kiểu tự nhiên, cùng với râu tóc, dòng nước bị cuốn trong miệng, hình ảnh con cá chép cong mình như đang bơi theo dòng nước trông tự nhiên.
Địa chỉ: Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam.
Đền Lăng – địa điểm du lịch tâm linh hà nam nổi tiếng
Xã Liêm Cần nay, vùng đất Bảo Thái xưa là nơi ghi dấu ấn lịch sử thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Đây không chỉ là đất khởi nghiệp mà còn là quê nội của ông. Dấu ấn sâu đậm nhất cho nhận định này hiện rõ ở lịch sử và những nhân vật thờ tại đền Lăng thôn Cõi, nay là thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Đền nằm dưới chân núi Lăng. Nhân dân địa phương truyền tụng, giữa núi Lăng có khu đất bằng phẳng là nền nhà của Lê Lộc – ông nội Lê Hoàn và cũng là nơi Lê Hoàn lớn khôn trở lại quê hương mở trường dạy học, tìm người cùng chí hướng.
Là di tích quan trọng trong hệ thống thờ các vị vua triều Đinh, Tiền Lê, đền Lăng có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong phạm vi các tỉnh thuộc Hà Nam Ninh xưa. Cụm di tích này đã được tỉnh quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tâm linh, phát triển du lịch. Hiện nay, dự án bảo tồn, tôn tạo đền Lăng; phục dựng đền Trung, đền Thượng bảo tồn, tôn tạo và phục dựng mả Dấu nằm trong giai đoạn I dự án quy hoạch chi tiết điểm du lịch Di tích lịch sử đền Lăng đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai
Địa chỉ: Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam.
Đền Trần Thương: Địa điểm du lịch tâm linh hà nam nên ghé thăm
Đền Trần Thương thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng trên gò Miễu với thế “Hình nhân bái Tướng” vào năm 1783 với kiến trúc mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Tương truyền nơi đây đã từng là kho lương của Nhà Trần và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên vào thế kỷ 13.
Đây là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo quy mô, bề thế nhất tỉnh Hà Nam, là một công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của Hà Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Đền Trần Thương mang kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các góc đao uốn cong, nghi môn ngoại gồm 3 cửa: cửa chính (lớn) nằm giữa và hai cửa phụ (nhỏ) nằm hai bên. Tầng dưới cửa chính uốn hình vòm cuốn, trang trí họa tiết hoa sen, hoa cúc…
Địa chỉ: Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam.
Bát Cảnh Sơn
Địa chỉ: Xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam
Bát Cảnh Sơn là địa điểm du lịch tâm linh hà nam ấn tượng với khung cảnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Bát Cảnh Sơn gồm có 8 ngôi chùa và ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành.
Danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nam này gồm có hệ thống đền chùa như: Đền Ông (đền Tiên Ông), chùa Kiêu, chùa Dâu, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Bông, chùa Cả, chùa Vân Mộng với lối kiến trúc độc đáo, không khí thoáng mát và phong cảnh yên bình. Phong cảnh ở Bát Cảnh Sơn cũng là điểm đến hấp dẫn để sống ảo cực “chill” đó.
Những địa điểm du lịch tâm linh hà nam ở trên không chỉ thu hút du khách chiêm bái cúng Phật, mà còn là điểm đến hấp dẫn giới trẻ tới thưởng ngoạn phong cảnh đẹp và chụp hình làm kỷ niệm tuyệt đẹp.